ĐBP - Theo Kế hoạch 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh về triển khai rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) lâm nghiệp, giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh phải thực hiện rà soát, hoàn chỉnh giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp đối với diện tích hơn 366.626ha; trong đó, đất lâm nghiệp có rừng hơn 31.772ha và đất lâm nghiệp chưa có rừng hơn 334.854ha.

Ðể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp tỉnh đã chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Ðất đai, Luật Lâm nghiệp và các cơ chế chính sách về công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp chưa có rừng đến người dân. Ðồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp tỉnh, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều triển khai, thực hiện chậm, nhất là đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Lực lượng chức năng huyện Nậm Pồ rà soát các diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng trên địa bàn huyện.

Huyện Ðiện Biên là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Toàn huyện có hơn 99.522ha đất quy hoạch 3 loại rừng. Ðến nay, diện tích đã giao cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình cá nhân là hơn 45.587ha, nhưng dự kiến điều chỉnh giảm hơn 5.059ha (trong đó có hơn 474ha đất có rừng) do sai sót; diện tích đã giao cho tổ chức hơn 6.298ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, tất cả những diện tích được giao trên đều được thực hiện theo Kế hoạch 388/KH-UBND ngày 20/02/2013 của UBND tỉnh về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015. Còn đối với việc thực hiện Kế hoạch 2783/KH-UBND tỉnh, hiện nay huyện đang triển khai thực hiện. Hiện toàn huyện còn hơn 52.696ha đất lâm nghiệp trong quy hoạch chưa được giao; hơn 21.150ha đất lâm nghiệp có rừng trong quy hoạch chưa được giao và hơn 31.454ha đất lâm nghiệp chưa có rừng trong quy hoạch chưa được giao.

Lý giải vấn đề chậm triển khai thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Ðăng, chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên cho biết: Hiện nay, các diện tích đất lâm nghiệp lớn đã giao hết theo Kế hoạch 388/KH-UBND tỉnh; những diện tích còn lại nhỏ, manh mún do các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, chủ yếu tập trung tại các xã vùng lòng chảo. Việc tuyên truyền, vận động các hộ giao gộp chung vào cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp giao chung vào cộng đồng nhưng sau khi giao và cấp GCNQSDÐ, các hộ gia đình, cá nhân lại đề nghị tách riêng, không giao chung vào cộng đồng. Một số trường hợp không thống nhất được ranh giới, phát sinh tranh chấp, việc giải quyết khó khăn, kéo dài, không có hồ sơ địa chính nên không thực hiện được giao đất, giao rừng. Bên cạnh đó, phương pháp thực hiện khoanh vẽ đối với diện tích lớn cơ bản đáp ứng được sai số 5% cho phép, tuy nhiên việc đo vẽ đối với diện tích nhỏ (dưới 1.000m2) sử dụng máy định vị cầm tay GPS có sai số rất lớn, không đảm bảo tính chính xác, gây khó khăn trong công tác quản lý sau khi giao đất, giao rừng cũng như việc giải quyết tranh chấp phát sinh. Ðiển hình, tại địa bàn huyện sẽ thực hiện hủy kết quả giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 388/KH-UBND tỉnh tại địa bàn 3 xã Thanh An, Thanh Xương, Noong Hẹt với diện tích hơn 5.059ha do sai sót không thể khắc phục và một số trường hợp có diện tích nhỏ, đã được đo vẽ bằng máy GPS cầm tay.

Cùng với đó, sinh kế của người dân, nhất là các xã vùng ngoài lòng chảo, chủ yếu phụ thuộc vào làm nương, dẫn đến việc quy hoạch đất lâm nghiệp, giao đất, giao rừng gặp nhiều khó khăn do liên quan đến diện tích đất làm nương của nhân dân. Nhiều hộ dân không đồng ý khoanh riêng khu vực làm nương và khu vực giao đất, giao rừng với lý do sau này con cháu không có đất canh tác. Ðiển hình, tại bản Nậm Ty, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên), mặc dù trực tiếp lãnh đạo huyện, chính quyền xã đã xuống tận bản tuyên truyền, vận động nhiều lần, nhưng người dân vẫn không nhận giao đất, giao rừng.

Mường Chà có hơn 92.677ha đất lâm nghiệp; trong đó, có hơn 49.617ha đất lâm nghiệp có rừng và hơn 43.059ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Bà Trần Kim Cúc, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Chà cho biết: Ðến nay, huyện mới chỉ thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ theo Kế hoạch 388/KH-UBND tỉnh đối với hơn 51.161ha; còn lại 41.516ha chưa được giao (bao gồm hơn 811ha đất lâm nghiệp có rừng và hơn 40.704ha đất lâm nghiệp chưa có rừng). Ðặc biệt, do quá trình quy hoạch 3 loại rừng còn để xảy ra những tồn tại, hạn chế, như một số diện tích đất ở, đất lúa, ao, vườn và đất khác nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, dẫn đến việc rà soát, giao đất, giao rừng gặp khó khăn. Toàn huyện qua rà soát có khảng hơn 12.217ha đất lâm nghiệp có rừng cần rà soát. Ðể giải quyết tồn tại, bất cập trong quá trình quy hoạch 3 loại rừng, huyện đang giao các cơ quan chức năng rà soát, thống nhất số liệu đất ở, đất lúa nước, đất thủy sản, đất vườn, đất khác nằm trong quy hoạch 3 loại rừng để đưa ra ngoài quy hoạch.

Theo kế hoạch đề ra, đến hết năm 2023, toàn tỉnh phải triển khai thực hiện rà soát, hoàn chỉnh giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp đối với hơn 366.626ha, nhưng đến hết năm 2020 (số liệu mới nhất) mới chỉ thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ cho 633 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích hơn 27.017ha. Trong đó, chỉ có 3 huyện Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé và Tuần Giáo đã triển khai giao đất, giao rừng (được một phần) cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình với hơn 12.307ha. Diện tích đất lâm nghiệp còn lại chưa giao đất, cấp GCNQSDÐ hơn 339.609ha. Trong đó, huyện Ðiện Biên Ðông hơn 52.372ha; Mường Nhé hơn 36.050ha; Nậm Pồ hơn 68.683ha; Tuần Giáo hơn 47.805ha...

Nguyên nhân được xác định, do công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của một số đơn vị cấp huyện còn chậm; việc phê duyệt phương án kỹ thuật, dự toán kinh phí rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 chưa thực hiện. Về định mức kinh phí đo đạc, lập hồ sơ không vượt quá 200 nghìn đồng/ha là thấp, trong khi đó diện tích thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa có rừng (chủ yếu đất nương trồng cây hàng năm quy hoạch phát triển lâm nghiệp) nhiều thửa đất và chủ sử dụng đất không tập trung. Ðối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng chủ yếu đất luân canh nên người dân mong muốn không chuyển thành đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, tập huấn...

Kết luận tại hội nghị về kết quả triển khai thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh diễn ra vừa qua, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ đánh giá tiến độ thực hiện việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp còn chậm, đặc biệt là nội dung giao đất lâm nghiệp chưa có rừng chưa thực hiện được. Ðồng thời, yêu cầu trong năm 2021, mỗi huyện ít nhất phải đo đạc, quy chủ được 3 xã. Ðể đẩy nhanh tiến độ và đạt được yêu cầu đề ra, thời gian tới các sở, ngành, địa phương liên quan cần rà soát, ưu tiên diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng gắn với lập hồ sơ thiết kế công trình lâm sinh; tăng cường công tác tuyên truyền Luật Ðất đai, Luật Lâm nghiệp và các cơ chế chính sách để người dân hiểu, chung tay tham gia giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp chưa có rừng; rà soát diện tích, số thửa đất lâm nghiệp dự kiến giao; xem xét đề xuất phương án dồn điền, đổi thửa để tạo ô, thửa liền khoảnh để thực hiện khoanh nuôi, trồng rừng. Sớm hoàn thành việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát đất ở, đất lúa nước, đất thủy sản, đất vườn... nằm trong quy hoạch 3 loại rừng để điều chỉnh trong quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030.

 

http://www.baodienbienphu.com.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      155 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.051.506
      Online: 18