ĐBP - Trở lại xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) những ngày cuối năm, hình ảnh những cánh rừng trải dài xanh ngút ngàn trên khắp sườn đồi đã phần nào giúp chúng tôi thấy được nỗ lực chăm sóc và bảo vệ rừng của người dân vùng biên cương nơi cực Tây Tổ quốc.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn kiểm tra các cây gỗ lớn trong rừng của bản Huổi Púng, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ).

Từ trung tâm xã Pa Tần sau gần 2 giờ đi xe máy qua 15km đường cấp phối, gần 20km đường mòn vắt ngang lưng núi, chúng tôi có mặt tại bản Huổi Púng chìm sâu hun hút dưới tán rừng. Tham gia cùng đội tuần tra bảo vệ rừng của bản, trên đường đi anh Thào Seo Lử, Trưởng bản Huổi Púng chia sẻ: Bản có trên 255ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ. Diện tích rừng tuy nhỏ nhưng có vai trò quan trọng. Ngoài điều hòa không khí, rừng còn giữ nguồn nước sinh hoạt cho cả bản và khu vực xã Pa Tần, nên người dân ở đây coi rừng như sinh mạng của mình. Bản Huổi Púng đã xây dựng hương ước bảo vệ rừng, các hộ dân trong bản đều có trách nhiệm bảo vệ. Mỗi lần đi tuần tra từ 5 - 10 người, mỗi hộ gia đình cử 1 người tham gia; thực hiện tuần tra 2 lần/tháng, cứ như vậy các hộ trong bản thay phiên nhau. Nhờ làm tốt công tác tuần tra, bảo vệ, không cho người dân ngoài bản đến khai thác lâm sản phụ nên những năm trở lại đây trong bản không để xảy ra tình trạng cháy rừng, đốt rừng làm nương. Rừng của bản ngày càng xanh tốt, vẫn giữ được những cây có tuổi đời hàng trăm năm, đường kính thân lên tới vài người ôm. Những năm gần đây nhờ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, cuộc sống của người dân được cải thiện nên ý thức bảo vệ rừng của người dân càng được nâng lên. Năm 2019, mỗi hộ dân trong bản được chi trả hơn 5 triệu đồng; năm 2020, tạm ứng mỗi gia đình được 1,3 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống người dân.

Ngoài Huổi Púng, Pa Tần là một trong những bản có cách làm sáng tạo trong khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Nhờ đó, Pa Tần có diện tích rừng lớn nhất xã (2.358,55ha). Ông Poòng Văn Sơn, Trưởng bản Pa Tần cho biết: Ngày trước, bà con chưa nhận thấy lợi ích từ rừng mang lại; công tác quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều hộ vào rừng chặt phá, đốt rừng làm nương. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân có thêm thu nhập, ý thức bảo vệ rừng tốt hơn. Bản chúng tôi đã thành lập 1 đội tuần tra bảo vệ rừng gồm 15 người, thực hiện tuần tra ít nhất 2 lần/tháng, mùa hanh khô thực hiện 4 lần/tháng. Ðồng thời xây dựng quy ước bảo vệ rừng của bản, nếu ai chặt gỗ, vén rừng làm nương sẽ bị phạt từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng; trường hợp vi phạm nặng thì hộ gia đình đó bị cắt tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của năm đó. Hàng năm từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, 102 hộ dân trong bản đã trích một phần vào quỹ bản dùng cho việc mua sắm dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra; làm đường tuần tra bảo vệ rừng. Trong 2 năm (2018 - 2019) bản đã làm được 6km đường tuần tra bảo vệ rừng (đủ để xe máy đi) với tổng kinh phí trên 60 triệu đồng. Hiện nay, nguồn quỹ chung của bản còn hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ chủ chốt của bản cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật; khi đốt nương phải báo với đội tuần tra bảo vệ rừng; bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng; phát dọn thực bì, phát đường băng cản lửa tại những vị trí giáp ranh các khu rừng... Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên nhiều năm nay, bản không có ai phá rừng hay đốt nương cháy lan vào rừng. Việc thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, kịp thời làm cho bà con nhân dân trong bản phấn khởi, ấm no hơn; người người, nhà nhà nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng.

Anh Poòng Văn Phong người dân bản Pa Tần chia sẻ: Tiền dịch vụ môi trường rừng giúp chúng tôi từng bước ổn định cuộc sống. Như gia đình tôi năm 2019, nhờ được nhận 22 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng mà mua thêm được máy bừa để phục vụ sản xuất nông nghiệp; góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động. Nhiều nhà trong bản mua được xe máy, ti vi hay đầu tư chăn nuôi lợn, gà vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, nhờ giữ được rừng nên thảm thực vật dưới tán rừng phát triển mạnh, cung cấp nguồn lâm sản phụ đa dạng, phong phú (sa nhân, thảo quả, lá dong, mật ong…). “Mùa nào thức ấy” người dân trên địa bàn xã đều lên rừng thu hái lâm sản phụ về bán cho các thương lái để tăng thu nhập.

Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết: Ðể nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, hàng năm xã Pa Tần xây dựng kế hoạch, củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các bản. Thành lập các tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng các bản tổ chức tuần tra, kiểm soát, canh gác rừng; lập phương án, phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô.  Ngoài ra, xã còn giám sát việc thực hiện quy ước bảo vệ rừng của các bản; tổ chức ký cam kết bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng giữa xã với bản và các hộ dân. Thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đảm bảo kịp thời. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lâm luật. Ðẩy mạnh công tác khoanh nuôi tái sinh rừng, từ năm 2018 đến nay xã đã khoanh nuôi tái sinh được 304ha rừng. Diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng của xã ngày một tăng. Hiện nay, xã có 11.952,5ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 72%.

Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách chăm sóc, bảo vệ rừng, giúp người dân hiểu được ý nghĩa và lợi ích của việc bảo vệ rừng. Việc giao khoán rừng cho hộ gia đình, cộng đồng chăm sóc và bảo vệ được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ðời sống của người dân được nâng lên nhờ rừng. Ðây là tiền đề để những cánh rừng ở Pa Tần thêm xanh; là một trong những hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

 

 

 

Anh Nguyễn/ baodienbienphu.info.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      157 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.077.026
      Online: 38