Nằm trên độ cao từ 1200m - 1800m so với mực nước biển, Tênh Phông là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo. Với diện tích đất có rừng 2.186ha, trong đó rừng tự nhiên là 2.165ha, tỷ lệ che phủ trên 38%, đất đai giàu mùn, tầng canh tác khá dày... Tênh Phông được đánh giá thuận lợi cho phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng.

 

Vườn ươm cây dược liệu của anh Hà Quyết tại bản Ten Hon, xã Tênh Phông.

Vùng đất giàu tiềm năng

Những ngày cuối năm, dù mặt trời lên cao song con đường từ huyện Tuần Giáo đến trung tâm xã Tênh Phông sương mù vẫn giăng kín. Trên cao, các bản Thẩm Nặm, Ten Hon, Háng Rùa ẩn hiện trong làn sương mờ. Vừa đi, anh Ðặng Trọng Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Tênh Phông vừa giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất giàu tiềm năng này: Tênh Phông được biết đến như một “tiểu Sa Pa”, quanh năm khí hậu mát mẻ, ở xã còn phân bố nhiều loài dược liệu quý, đang được khai thác với trữ lượng tương đối lớn. Phải kể đến là thảo quả (83ha), sơn tra (56,4ha), gừng, nghệ... tại 5 bản: Ten Hon, Xá Tự, Háng Rùa, Huổi Anh, Thẩm Nặm. Cây sơn tra do người dân tự trồng, phát triển diện tích tập trung. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích sơn tra trong khu vực đất quy hoạch 3 loại rừng nên ảnh hưởng tới diện tích rừng; đầu ra sản phẩm không ổn định, do đó huyện không khuyến khích xã phát triển thêm diện tích mà chỉ duy trì ổn định số cây hiện có trên địa bàn. Ngoài ra, Tênh Phông còn có các cây dược liệu tự nhiên bản địa khác như: Huyết giác, củ mài, khúc khắc, bình vôi, đẳng sâm, cẩu tích... mọc rải rác. Ðặc biệt là có nhiều loại dược liệu quý hiếm có giá trị như: Sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, hoàng tinh hoa trắng, đẳng sâm, đương quy, tam thất hoang. Trong đó sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh đang được trồng mô hình thí điểm với diện tích khoảng 0,2ha tại bản Ten Hon. Còn với cây bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa) phân bố rải rác tại các vùng núi cao trên 1.000m của các bản: Ten Hon, Xá Tự, Thẩm Nặm; lan kim tuyến phân bố rải rác nơi đất giàu mùn, độ ẩm và độ xốp cao, thoáng khí, ven các khe suối, dưới tán rừng ở độ cao trên 1.200m. Còn đẳng sâm, hoàng tinh hoa trắng, tam thất hoang phân bố rải rác ở núi cao thuộc các bản: Ten Hon, Thẩm Nặm. Các cây dược liệu nhập nội như đương quy, atiso đã được các hộ dân trồng tại bản Ten Hon.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng Tênh Phông, UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan và UBND xã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên và nguyện vọng của người dân. Kết quả cho thấy tại các bản Ten Hon, Thẩm Nặm, Háng Rùa có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp phát triển một số cây dược liệu. Dự kiến đến năm 2025, xã Tênh Phông sẽ phát triển khoảng 200ha các chủng loại dược liệu (bao gồm: 20ha sâm Lai Châu, 20ha sâm Ngọc Linh, 20ha lan kim tuyến, 20ha bảy lá một hoa, 70ha tam thất bắc, 50ha sa nhân tím).

Những thành công bước đầu

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng dược liệu của anh Hà Quyết tại bản Ten Hon. Tìm hiểu các loại dược liệu quý đã lâu và nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Tênh Phông rất phù hợp với những loại cây này, anh Hà Quyết đã quyết định ươm, trồng thử nghiệm 2.000 cây sâm Ngọc Linh, 10.000 cây tam thất hoang.

Anh Hà Quyết cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu trong nước và quốc tế về dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược để điều trị bệnh, bồi dưỡng sức khoẻ là rất lớn. Việc khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được sử dụng rộng rãi. Bởi vậy, dược liệu có nguồn gốc từ thực vật vẫn là nguồn nguyên liệu chính song nguồn tài nguyên tự nhiên này đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Sau nhiều lần trực tiếp đến tìm hiểu các mô hình cây dược liệu ở Kon Tum, đặc biệt là khu vực trồng sâm Tăk Ngo (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) anh Quyết đã mạnh dạn mua giống sâm Ngọc Linh về ươm, trồng với giá 150 nghìn đồng/hạt, 350 nghìn đồng/cây 1 năm tuổi, 700 nghìn đồng/cây 2 năm tuổi, 1,5 triệu đồng/cây 3 năm tuổi. Ngoài ra, anh còn trồng sâm Lai Châu và tam thất hoang, lan kim tuyến. Hiện nay, số cây đã trồng phát triển tốt. Ðể bảo vệ và phát triển diện tích cây dược liệu đã trồng, anh Quyết thường xuyên tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuẩn bị lớp mùn cho những cây lâu năm và lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi 24/24 giờ tại khu vườn ươm và khu trồng... Sau khi cây phát triển ổn định, anh thuê người dân bản địa chăm sóc, bảo vệ, dọn vườn. Dự định của anh Quyết là thời gian tới sẽ thành lập hợp tác xã chuyên về trồng cây dược liệu với khoảng 28 thành viên.

Không chỉ anh Hà Quyết mà nhiều cá nhân khác đã và đang có ý định đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở Tênh Phông. Hiện nay, một số hộ dân đã trồng thử nghiệm sa nhân tại các nương cạnh khe suối; sâm Ngọc Linh, linh chi tại các vị trí có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.

Chia sẻ về việc phát triển cây dược liệu ở Tênh Phông, ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo cho biết: Tháng 9/2020, với mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển các cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, huyện Tuần Giáo đề xuất Dự án “Trồng dược liệu” tại xã Tênh Phông trình các cơ quan chức năng tỉnh xem xét báo cáo tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Ðây sẽ là lời giải cho bài toán giúp người dân Tênh Phông xóa đói, giảm nghèo, tiến tới nâng cao thu nhập và làm giàu, gắn với nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Ðể làm được điều này, huyện Tuần Giáo đã triển khai một số giải pháp quy hoạch phát triển cây dược liệu ở Tênh Phông. Theo đó, huyện phân thành vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và nhu cầu của các hộ dân. Tiểu vùng trung tâm (các bản: Ten Hon, Háng Rùa, Thẩm Nặm) tập trung phát triển một số loài cây dược liệu có thế mạnh như: Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đẳng sâm, hoàng tinh hoa trắng, tam thất hoang, gừng, nghệ... phấn đấu trồng được khoảng 200ha cây dược liệu theo hình thức thâm canh và trồng xen dưới tán rừng. Thời gian tới huyện sẽ đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, nguồn vốn... tạo điều kiện cho địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu; tạo điều kiện thuận lợi nhất về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện pháp lý vay vốn ngân hàng và yên tâm đầu tư phát triển cây dược liệu. Ðể liên kết, phát triển dược liệu bền vững, Tuần Giáo thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mối liên kết đó sẽ giúp hình thành và phát triển với bốn mục tiêu chiến lược: Nguyên liệu xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh, dịch vụ xanh.

Việc trồng cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao ở Tênh Phông được kỳ vọng không chỉ góp phần bảo tồn, khôi phục và phát triển các giống dược liệu quý mà còn giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

 

http://snnptnt.dienbien.gov.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      156 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.072.058
      Online: 9