Điện Biên là tỉnh có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống với trên 72% đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Thái chiếm 38%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,4%, còn lại là các dân tộc khác). Cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào nương rẫy, rừng để mưu sinh. Tuy nhiên từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai thực hiện tại nhiều huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh những cánh rừng đã xanh trở lại, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, qua đó thu hút người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ, gắn trách nhiệm của người dân với rừng.

 

Cán bộ kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương xã kiểm tra xác minh rừng chi trả DVMTR.

Xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé là xã vùng biên của huyện, từ năm 2011 chính sách chi trả DVMTR được triển khai, bình quân mỗi năm người dân xã Sen Thượng nhận được khoảng 8 tỷ đồng tiền DVMTR. Từ nguồn kinh phí DVMTR hàng năm nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã có thêm thu nhập, khắc phục khó khăn trong cuộc sống, từ đó nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng, quản lý rừng.

Nếu không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, có lẽ ông Chu Khừ Po, bản Sen Thượng, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé còn phải cày, cuốc theo phương thức thô sơ, truyền thống trong lâu dài. Bởi gia đình ông quanh năm làm chỉ lo đủ cái ăn, cái mặc, còn việc mua sắm những tiện nghi sinh hoạt hay phương tiện máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất là rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi có tiền DVMTR gia đình ông đã mua được máy cày, máy phay để làm đất, thay vì dùng trâu, bò làm sức kéo như trước đây và giảm bớt được công sức lao động, năng suất cao hơn, ông Chu Khừ Po, nhấn mạnh. Ngoài việc đầu tư cho mua sắm dụng cụ, phương tiện sản xuất, nhiều hộ dân trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Điện Biên hiện nay, dành nguồn tiền DVMTR để sửa chữa, mua vật liệu làm nhà ở, tăng gia sản xuất.

Cán bộ Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn việc quản lý bảo vệ rừng cung ứng DVMTR cho người dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Hiện nay, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé 100% hộ dân bản địa đều được hưởng chính sách chi trả tiền DVMTR. Do đó, hầu hết các hộ đã sử dụng tiền đúng mục đích, trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan chức năng và cán bộ địa phương. Tùy vào đặc thù của từng địa bàn, tùy vào nhu cầu của từng địa phương, thậm chí là của từng hộ gia đình mà mỗi đối tượng thụ hưởng chính sách đều có những cách làm khác nhau trong việc sử dụng tiền DVMTR. Nhưng dù sử dụng theo cách nào, họ cũng đều có mục đích chung nhất là phát triển sinh kế thông qua việc phát triển kinh tế ngoài rừng, hạn chế khai thác gỗ và lâm sản phụ, góp phần bảo vệ, phát triển rừng.

Ông Lỳ Pó Tư, bản A Pa Chải - xã Sín Thầu là một trong số hộ điển hình sử dụng hiệu quả tiền DVMTR. Nhờ tiền DVMTR gia đình ông Pó Tư đã mua sắm các phương tiện, dụng cụ máy móc để phục vụ hoạt động sản xuất hàng năm, điều mà cách đây mấy năm trở về trước, ông Pó Tư cũng như bà con Hà Nhì trong bản, trong xã không hề nghĩ tới. Bởi người dân ở đây từ bao đời nay chỉ biết lao động, sản xuất theo phương thức tuyền thống như: Dùng trâu, bò để cày bừa; vận chuyển nông sản dùng gùi, vác. Nay những việc ấy đã được bà con cơ giới hóa sản xuất, phương tiện gắn với sản xuất của họ hiện nay là những chiếc máy phay, máy cày bừa, máy tuốt lúa, xe chở hàng… Việc mua sắm phương tiện máy móc, để phục vụ sản xuất đã giảm bớt sức lao động và tăng hiệu quả sản xuất cho người dân.

... và kiểm tra hiện trạng diện tích được nhận tiền DVMTR.

Hiện nay, đa số các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Điện Biên đều có xu hướng sử dụng nguồn tiền DVMTR vào việc bảo vệ rừng, thông qua hoạt động của các tổ bảo vệ rừng ở thôn, bản; đầu tư phát triển sinh kế như: mua giống cây trồng, trâu, bò, dê, gia cầm đầu tư phát triển kinh tế trang trại gắn với trồng rừng…

Tuy nhiên để quản lý và sử dụng tiền chi trả DVMTR có hiệu quả hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã phối hợp với chính quyền cấp xã, các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân sử dụng nguồn tiền này có hiệu quả và đảm bảo tính dân chủ, công khai. Theo đó, mỗi cộng đồng dân cư thôn, bản đều triển khai họp thôn để giới thiệu về tiền DVMTR và bầu ra Ban quản lý tiền DVMTR của thôn, bản đó.

Tuyết Anh

Dienbien.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      155 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.051.244
      Online: 37