ĐBP - Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách, chủ trương đúng đắn để bảo vệ rừng đầu nguồn và hệ sinh thái rừng, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, bảo đảm nguồn nước cho thủy điện và các hoạt động kinh doanh du lịch. Ðể người dân gắn bó, chú trọng hơn trong công tác bảo vệ rừng, thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé đã phát huy hiệu quả, chi trả đầy đủ phí DVMTR cho người dân để họ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thành viên các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng cùng cán bộ kiểm lâm KBTTN Mường Nhé tuần tra rừng đặc dụng.

Ðể “mục sở thị” về cuộc sống của các hộ gia đình, nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng của KBTTN Mường Nhé, chúng tôi được ông Ðào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé dẫn đến bản Nậm Pắt, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé). Ðây là một trong những nhóm nhận khoán bảo vệ rừng của khu bảo tồn từ năm 2013 đến nay. Trên đường đến nhà Trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng bản Nậm Pắt, chúng tôi được Phó Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé chia sẻ nhiều thông tin về việc thực hiện chi trả DVMTR và hiệu quả của chính sách này trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Tiến khẳng định: “Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thay đổi nhận thức bảo vệ rừng của người dân. Trước đây, không ít trường hợp bà con vào rừng đặc dụng khai thác lâm sản hay lấn chiếm đất rừng làm nương nhưng từ khi được giao quản lý, bảo vệ rừng thì tình trạng đó gần như không còn. Ngoài ra, việc chi trả DVMTR còn tạo điều kiện cho người dân gắn bó mật thiết với rừng, bà con đã coi rừng như một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Ðiều đó giúp việc quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn rất nhiều”.

Câu chuyện xoay quanh việc chi trả DVMTR sau gần 30 phút di chuyển bằng xe máy, chúng tôi cũng đến nhà anh Lỳ Tư Xè, Trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng bản Nậm Pắt. Chỉ tay về phía căn nhà kiên cố, vững chãi của mình, anh Xè tâm sự: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong bản rất khó khăn. Từ năm 2013, được Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cho nhận khoán bảo vệ rừng mà dân bản có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Giai đoạn đầu (2013 - 2016) do đơn giá còn thấp nên thu nhập của bà con chỉ khoảng 5 - 8 triệu đồng/hộ/năm. Tuy nhiên, từ 2017 đến nay, đơn giá bảo vệ rừng cao đã cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/hộ/năm. Từ nguồn vốn này, nhiều gia đình xây dựng nhà cửa kiên cố, mua phương tiện đi lại hay thiết bị điện về sử dụng, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Không dừng lại ở đó, nhiều gia đình tích cóp vào để đầu tư mua cây, con giống để phát triển kinh tế, vì thế mà điều kiện nhiều hộ đã khấm khá hơn nhiều”.

Cũng giống như bản Nậm Pắt, từ khi người dân bản Ðoàn Kết, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng, cuộc sống của bà con dân bản cũng được cải thiện đáng kể với mức thu nhập trung bình 17 - 18 triệu đồng/hộ/ năm. Trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng bản Ðoàn Kết Lỳ Go Ly chia sẻ: “Từ khi chúng tôi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé và được nhận tiền chi trả DVMTR, chúng tôi có thêm việc làm, tăng thu nhập. Ðược hưởng lợi từ rừng rồi thì chúng tôi cũng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình với rừng. Ðể làm được điều đó, dân bản đã thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng, tháng nào cũng phân công đi tuần tra bảo vệ trên diện tích rừng được khoán bảo vệ, cũng như cắt cử người canh gác, ngăn chặn người vào rừng khai thác lâm sản, làm tốt việc phòng cháy chữa cháy rừng để giữ rừng thật tốt mới được chi trả DVMTR chứ!”.

Nhóm nhận khoán bảo vệ rừng bản Ðoàn Kết, xã Chung Chải kiểm tra diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

Không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà từ nguồn kinh phí được chi trả từ DVMTR nhiều cộng đồng còn sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của bản, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Cộng đồng bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) bảo vệ hơn 220ha rừng thuộc tiểu khu 149, khoảnh 12, thuộc phân khu phục hồi sinh thái KBTTN. Năm 2019, dân bản được nhận hơn 200 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, sau khi họp bản và thống nhất, cộng đồng đã tiến hành chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một phần; phần còn lại đóng góp để sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa, đổ bê tông trong bản để bà con thuận tiện trong việc đi lại, giao thương với các bản khác. Ông Mào Văn Them, bản Phiêng Kham (xã Mường Nhé) bày tỏ: “Từ khi Ban quản lý KBTTN Mường Nhé giao khoán cho cộng đồng bản bảo vệ phần rừng đặc dụng, theo hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng, mọi người dân trong bản đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Không chỉ bảo vệ được môi trường sinh thái mà còn góp phần nâng cao thu nhập. Từ kinh phí được hỗ trợ, bản còn xây dựng được đường giao thông, công trình công cộng của bản ngày càng khang trang hơn nên dân bản, ai ai cũng rất phấn khởi”.

Hiện nay, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé được giao quản lý 45.581ha rừng đặc dụng; năm 2020 với diện tích trên 35.000ha rừng cung ứng DVMTR, đơn vị đã giao khoán cho 38 nhóm nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn 5 xã với diện tích hơn 28.000ha; diện tích còn lại do ban trực tiếp quản lý, bảo vệ.

Việc thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đã giúp Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cũng như các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng; đồng thời cải thiện cuộc sống cho người dân, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

http://www.baodienbienphu.com.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      PHÁT THANH
       Liên kết website
       Bình chọn
      Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
      155 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.052.369
      Online: 13