Hiện nay, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ có gần 11.800 ha rừng, trong đó trên 9.500 ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng với 9 chủ rừng là cộng đồng dân cư. Từ khi có chính sách dịch vụ môi trường rừng đến nay, những cánh rừng trên địa bàn xã Pa Tần, ngày càng xanh tốt, người dân nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 71,1%, tạo môi trường sinh thái, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con các dân tộc địa phương.

 

 

Thực tế cho thấy, chính sách chi trả DVMTR được triển khai đã mang lại rất nhiều đổi thay trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Pa Tần. Nhờ chính sách này, đời sống các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản tại xã đã được nâng lên, dần ổn định. Vai trò của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong công cuộc đưa chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống người dân, nhất là người dân vùng núi huyện Nậm Pồ đã được khẳng định.

Bình quân mỗi năm (từ 2011 – 2018), các chủ rừng là cộng đồng tại xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ nhận khoảng 6 tỷ đồng/cộng đồng, riêng năm 2018, số tiền chi trả gần 11,7 tỷ đồng, năm 2019, số tiền tạm ứng dịch vụ môi trường rừng là gần 4,8 tỷ đồng…

Để thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy chữa cháy rừng, hàng năm xã Pa Tần xây dựng kế hoạch, củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các bản; thành lập các Tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng; tổ chức tuần tra, kiểm soát, canh gác rừng…

Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ cho biết: Từ khi có tiền DVMTR bà con các bản trên địa bàn xã đã nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ rừng, việc thanh toán tiền DVMTR luôn đầy đủ, kịp thời cho bà con nên nhân dân rất phấn khởi. Việc bảo vệ tốt số rừng hiện có là một trong những hướng phát triển kinh tế chủ lực của xã chúng tôi hiện nay. Bên cạnh đó, xã còn tổ chức giám sát việc thực hiện quy ước bảo vệ rừng của các bản; tổ chức ký cam kết về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, xâm hại rừng đến từng gia đình.

Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần nơi có trên 2.000ha rừng được người dân nhận khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ nhiều nhất xã. Những năm gần đây, nhờ tiền DVMTR mà công tác bảo vệ rừng nơi đây rất tốt, nhiều năm chưa có ai phá rừng hay đốt nương cháy lan vào rừng. Thấy được nguồn thu nhập đáng kể từ rừng, bà con trong bản xây dựng quy ước và ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc sản xuất nương của bà con, hướng dẫn đốt dọn không để cháy lan vào rừng. Năm 2018, bản Huổi Sâu nhận trên 1,1 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Không riêng gì ở bản Huổi Sâu mà hầu hết 9 chủ rừng là cộng đồng dân cư tại Pa Tần cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc bảo vệ rừng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã còn làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thông qua việc tuần tra, kiểm soát, canh gác thường xuyên; việc xâm hại hay đốt nương, đốt rừng cũng được quán triệt chặt chẽ đến các hộ bằng việc ký cam kết về quản lý, bảo vệ rừng.

Nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, những cánh rừng của xã Pa Tần ngày càng được quản lý, phát triển tốt; đời sống người dân được nâng lên. Qua đó, tăng tỷ lệ che phủ rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt ở các bản vùng sâu, vùng xa xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ.

 

Dienbien.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    PHÁT THANH
     Liên kết website
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên
    156 người đã bình chọn
    Thống kê: 1.075.563
    Online: 2